Lazada lạc quan về triển vọng thương mại điện tử 2018

Ngày Đăng: 20/11/2017 11:50:19

Sàn thương mại điện tử triển khai những hoạt động mới mẻ nhằm bắt kịp xu hướng thị trường trong năm tới.

Thương mại điện tử Việt Nam đang trên đà phát triển, dự đoán quy mô có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Vừa qua, Hội nghị APEC cũng chọn thương mại điện tử là một trong những trọng tâm lớn của chương trình nghị sự năm nay.

Lazada là một trong những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc quản lý, vận hành, chăm sóc khách hàng… Nhờ đó, hãng liên tục xác lập những con số ấn tượng về doanh thu, tự vượt qua các kỷ lục bán hàng của chính mình.

Điển hình, chương trình Cách mạng mua sắm, mùa khuyến mãi lớn nhất năm của Lazada đang diễn ra lần 6 với kỷ lục mới được xác lập trong 3 ngày mua sắm cao điểm 9-11/11: gần 1,5 triệu sản phẩm được đặt mua và 16 triệu lượt truy cập trên website và ứng dụng.

Trước thềm năm 2018, sàn thương mại điện tử này đã, đang và tiếp tục triển khai định hướng, hoạt động mới nhằm đón đầu các xu hướng phát triển của thị trường.

Thương mại điện tử tương tác

Sự bùng nổ của mạng xã hội Facebook, Zalo… thúc đẩy sự phát triển của hình thức thương mại điện tử tương tác. Hiểu nôm na là sự kết hợp giữa thương mại điện tử với các nền tảng xã hội làm tăng tính tương tác giữa người dùng và nhà bán hàng, giữa những người dùng với nhau, tạo điều kiện và khuyến khích người dùng chia sẻ, trao đổi về những kinh nghiệm mua sắm online.

Trong đó, dùng người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm qua livestream (video thời gian thực) là mô hình đang rất thành công tại Alibaba và đang được Lazada áp dụng. Điển hình, trong chương trình “Thương hiệu đỉnh cao, cùng sao săn giá” và gần đây nhất là Cách mạng mua sắm, Lazada đã tổ chức hàng loạt các buổi livestream với sự dẫn dắt của những người nổi tiếng để kết nối người dùng. Ngoài việc tăng tính giải trí, người dùng còn “nhìn”, cảm nhận rõ hơn về tính năng, công dụng của sản phẩm, từ đó yên tâm hơn khi mua hàng.

Sự trỗi dậy của thương mại di động 

Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Do đó, thương mại điện tử phát triển trên nền tảng di động là xu hướng tất yếu trong tương lai. 

Lazada dự đoán trong năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có những bước tiến mới.

Theo thống kê của Lazada, có khoảng 49% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua thiết bị di động và xu hướng này sẽ càng tăng. Mặt khác, doanh thu từ việc bán hàng qua di động của doanh nghiệp này cũng chiếm từ 50-60% tổng doanh thu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới 

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 hôm 8/11 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, trong đó có Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử trong bài toán hội nhập hiện nay.

Vừa qua, Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Tập đoàn Alibaba cũng đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam như một bước tiến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới (tốc độ 35% mỗi năm). Đây là tiền đề để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài.

Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây

Nền tảng điện toán đám mây với rất nhiều công cụ như: Compute, Storage, Networking, Big Data… dự đoán sẽ là đề tài nóng tại Vietnam Web Summit 2017. Tăng trưởng chi tiêu cho điện toán đám mây ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Việc ứng dụng công nghệ tiện toán đám mây để phát triển thương mại điện tử là xu thế tất yếu.

Với một số lợi ích cơ bản như sử dụng tài nguyên tính toán động, giảm chi phí, giảm độ phức tạp trong cơ cấu doanh nghiệp, điện toán đám mây đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn. Khi thương mại điện tử được xây dựng từ nền tảng Internet thì công nghệ điện toán đám mây cần được khai thác triệt để hơn nữa.

Ứng dụng công nghệ trong quản lí chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng được cho là “đòn tử” của thương mại điện tử khi rất nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc vì không xây dựng được hệ thống giao nhận, kho bãi chuyên nghiệp. Ngày nay, khi thương mại điện tử có sự cạnh tranh khốc liệt thì việc ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả vận hành càng trở nên quan trọng.

Chuỗi cung ứng của Lazada áp dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Lazada có công ty phân phối riêng - LEX. Tất cả các nhân viên giao nhận của LEX đều được trang bị thiết bị quét thẻ lúc nhận hàng, thiết bị cầm tay giúp theo dõi và kiếm soát quá trình vận chuyển đơn hàng. Nhờ đó, đội ngũ này sẽ linh động sắp xếp lịch giao hàng cho khách hàng và khách hàng cũng sẽ được thông báo về tình trạng đơn hàng của mình.

Ngoài ra, tương tự Amazon, Lazada còn xây dựng hệ thống nhà kho riêng tại Hà Nội và TP.HCM để từ đó dễ dàng phân phối hàng sang các tỉnh thành lân cận. Mọi khâu từ nhập hàng, kiểm soát đến xuất hàng từ các kho đều có sự giám sát của các thiết bị công nghệ. Trong tương lai, thị trường đòi hỏi các thương mại điện tử phải linh động ứng dụng công nghệ trong quản lí cung ứng.

Sắp tới, cùng những tập đoàn hàng đầu thế giới như Amazon Web Service, Google, Facebook, Nielsen, Lazada sẽ tham gia vào chuỗi sự kiện Vietnam Web Summit 2017. 

Tuấn Nhu-Vnexpress.net