Quyền lợi bị vi phạm, người tiêu dùng gọi hàng trăm cuộc điện thoại cầu cứu

Ngày Đăng: 03/08/2018 02:14:08

Bộ Công Thương nhận được hàng trăm cuộc gọi, email của người tiêu dùng nhờ can thiệp do quyền lợi bị xâm phạm trong các lĩnh vực tài chính, điện thoại, viễn thông, đồ điện tử gia dụng…, trong đó nhiều nhất là từ Hà Nội và TP.HCM.

Đứng sau là nhóm điện thoại, viễn thông (108 trường hợp, chiếm 10,94%) và nhóm đồ điện tử gia dụng (100 trường hợp, chiếm 10,13%). Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành hàng có số lượng vụ việc khiếu nại được phản ánh tới Cục nhiều nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 372 trường hợp, chiếm khoảng 37,68%.

Trong nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đối tượng bị khiếu nại chủ yếu tập trung vào các công ty tài chính.

Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa qua điện thoại và trực tiếp, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của người tiêu dùng…

Đáng chú ý, nếu phân loại theo hành vi bị khiếu nại trong các nhóm điện thoại, viễn thông, điện tử, đồ gia dụng…, có 17,12% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

 

 

 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 288 và 185 vụ việc chiếm tỷ lệ lần lượt là 29,17% và 18,74% tổng số khiếu nại).

Hai thành phố này chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Long An, Cần Thơ với tỷ lệ khoảng 1 – 4 %.

Tính đến hết ngày 30/6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xử lý thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý thành công 275 vụ việc trong tổng số 282 vụ việc tiếp nhận (chiếm trên 95%). 7 vụ việc khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

Nếu bị các doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng có thể liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhờ can thiệp thông qua Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838; email (vcca@moit.gov.vn), nộp qua trang web (www.vca.gov.vn), gửi bưu điện hoặc tới trực tiếp trụ sở của Cục (25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nguồn: ITCNew