Những bước chuyển mình của Kinh tế 4.0 tại Việt Nam

Ngày Đăng: 30/08/2018 11:15:22

Kinh tế 4.0 tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn với việc Vingroup vừa công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ. Trong khi đó một DN ngoại là Grab mới mở thêm dịch vụ giao đồ ăn GrabFood, hướng tới trở thành “siêu ứng dụng” theo chân các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới khác. Thị trường cũng đón nhận thêm các đối thủ mới gia nhập.

Sôi động với những tay chơi lớn

Kinh tế 4.0 tại Việt Nam dần khởi sắc từ cách đây 4 năm với việc Uber, Grab tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ. Đến tháng 3/2018, Uber bán lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, biến Grab trở thành kỳ lân công nghệ lớn nhất khu vực. Tại Việt Nam, Grab hiện chiếm ưu thế gần như tuyệt đối ở mảng gọi xe công nghệ, và đang cạnh tranh gay gắt với các công ty đã từng đứng đầu một số dịch vụ khác như Giaohangnhanh ở mảng giao nhận hàng hoá, và Foody ở mảng giao nhận thức ăn.

Vừa qua, thị trường cũng liên tiếp đón nhận những tay chơi lớn khác. Đầu tháng 8, Go-Jek, kỳ lân công nghệ Indonesia với tổng số vốn huy động hơn 2 tỉ đô và định giá 5 tỉ đô, gia nhập thị trường Việt Nam dưới tên gọi Go-Việt. 

Cuối tháng 8, tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam Vingroup cũng mới công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ. Amazon đã có mặt tại Đông Nam Á, và được tin là sẽ sớm vào Việt Nam.

Yếu tố thành công: vốn, công nghệ, trình độ vận hành

Muốn hình dung ra Kinh tế 4.0 sẽ như thế nào trong 5 năm tới, ta có thể nhìn sang Trung Quốc, nơi đã đi nhanh hơn các thị trường khác về áp dụng công nghệ 4.0 vào cuộc sống hàng ngày. Các "siêu ứng dụng" tại đây như WeChat có hơn một tỉ người dùng và có đến hơn 1 triệu ứng dụng con chạy trực tiếp trên nền tảng WeChat mà không cần phải cài đặt, cung cấp vô vàn các tính năng từ mua sắm đến trò chơi trực tuyến. 

Sở hữu các "siêu ứng dụng" này đem đến lợi thế cực kỳ to lớn cho các công ty trong việc cung cấp dịch vụ và giữ chân khách hàng. Do đó hầu hết các công ty công nghệ đang lên đều có chung chiến lược trở thành ‘siêu ứng dụng" như vậy và cạnh tranh với nhau rất quyết liệt.

Vốn, công nghệ, và trình độ vận hành là ba yếu tố không thể thiếu để thành công trong thị trường ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. 

Nói về vốn, Go-Việt mới đây khi ra mắt tại TP. HCM đã áp dụng khuyến mại khủng đồng giá 5.000đ cho tất cả các chuyến đi dưới 8km, trong khi cam kết thu nhập cho tài xế tới 30.000đ một chuyến đi, cộng thêm thưởng ngày cho tài xế tới 220.000đ nếu đạt được số cuốc xe và tỉ lệ nhận cuốc theo quy định. 

Điều này chứng tỏ sự chịu chi khác hẳn với các cuộc ra mắt của các ứng dụng trong nước trước đó. Tuy nhiên, để khuyến mại tới đúng người dùng, các ứng dụng cũng cần phải có nền tảng công nghệ mạnh mẽ để phát hiện các hành vi gian lận của tài xế. Điển hình là một số cuốc xe của Go-Việt thời gian qua được phản ánh thực chất là các cuốc xe "ảo" do tài xế phối hợp tạo ra, nhằm lấy phần hỗ trợ mỗi chuyến xe và tích điểm để lấy số tiền hỗ trợ ngày. Go-Việt đã phải tạm khắc phục bằng cách phát các cuốc xe cho tài xế ở xa đến vài km. 

Ngoài ra, đội ngũ vận hành Go-Việt phải dựa vào hệ thống ở Indonesia để phát hiện và tự động khóa các tài xế bị nghi ngờ có hành vi gian lận, dẫn đến một số tài xế để tránh bị khóa bất thình lình tuy không gian lận, đã không dám nhận cuốc xe do cùng một khách hàng đặt trên hai quãng liên tiếp, hoặc các cuốc xe quá ngắn.

Việc Go-Việt khuyến mại khủng khiến giá mỗi chuyến xe thậm chí còn rẻ hơn vé xe bus đã thu hút một lượng lớn sinh viên, người nội trợ vốn hay đi xe bus chuyển sang dùng Go-Việt, kể cả khi phải chờ rất lâu do lượng tài xế còn ít và hãng phát cuốc xe xa. 

Ngay sau khi ra mắt, hãng mẹ Go-Jek từ Indonesia đã nhanh chóng tuyên bố chi nhánh của họ đã chiếm được 15% thị phần tại TP. HCM. Tuy nhiên, trong số này, ngoài các cuốc xe "ảo", khi khuyến mại giảm, việc những khách hàng này có tiếp tục sử dụng dịch vụ của Go-Việt hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Và dù được hỗ trợ bởi một ông lớn, cuộc chơi dường như vẫn quá đắt đỏ khi mỗi 1-2 tuần Go-Việt lại liên tục tăng điều kiện để nhận hỗ trợ đối với tài xế, khiến đa số tài xế chắc chắn sẽ ngày càng khó duy trì thu nhập như ban đầu. Đồng thời, chương trình đồng giá 5.000đ cho khách hàng cũng chỉ được Go-Việt duy trì không đầy một tháng.

Ở phía ngược lại, dưới áp lực của Go-Việt, Grab đã nhanh chóng tung ra các chương trình khuyến mại và thưởng cạnh tranh nhằm giữ chân khách hàng và tài xế. Mới đây nhất, hãng này công bố chương trình thưởng nóng đến 300.000/ngày khi hoàn thành tối thiểu 18 chuyến xe mỗi ngày dành cho toàn bộ tài xế GrabBike đang hoạt động tại TP.HCM. Điều kiện nhận thưởng là không cài đặt hoặc sử dụng ứng dụng khác, và cũng "thòng" thêm quy định tài xế không được gian lận, trục lợi từ chương trình thưởng của Grab.

Startup Việt và vai trò kiến tạo của Chính phủ

Thời gian qua một số ứng dụng gọi xe công nghệ trong nước có gia nhập thị trường nhưng nhanh chóng đuối sức trong cuộc đua về vốn và công nghệ. Trong bối cảnh Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được soạn thảo và lấy ý kiến, một số chuyên gia chia sẻ: thực chất việc siết chặt các điều kiện kinh doanh với xe hợp đồng điện tử sẽ chỉ làm tăng rào cản gia nhập thị trường của các công ty mới. 

Ngược lại, các công ty lớn đang hoạt động chắc chắn sẽ tìm được cách thích nghi với các quy định mới, và sau đó thậm chí còn có nhiều lợi thế hơn trước các đối thủ do đã vượt qua được các quy định này. 

Thiết nghĩ, để các startup Việt có thể tham gia vào thị trường còn nhiều cơ hội này, chính phủ cần tạo môi trường thông thoáng, giảm rào cản gia nhập, tập trung ưu tiên quyền lợi của người tiêu dùng, để các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển lành mạnh, từ đó khách hàng và người lao động trong nền kinh tế mới này có được lựa chọn tốt nhất cho mình.